Tỉ số giới tính khi sinh (được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra trong một thời kỳ nghiên cứu) thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỉ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ ý và sẽ làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu.
Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nhiều người dân đã có nhận thức và hiểu biết đúng về công tác dân số nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” muốn sinh nhiều con trai vẫn tồn tại trong suy nghĩ của không ít các bậc cha, mẹ. Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới - nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. “Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện”. Với quan niệm chỉ có con trai mới được coi là lao động chính trong gia đình, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường… rất nhiều gia đình chỉ muốn sinh con trai và không hề thích bé gái.
Không chỉ vậy, việc mong muốn có con trai lại nhận được sự trợ giúp đắc lực bởi chính một số người làm công tác y tế, đặc biệt là những bác sĩ sản khoa với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại như siêu âm xuất hiện ở khắp các bệnh viện và phòng khám công lẫn tư đã tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho việc lựa chọn giới tính thai nhi của các bậc làm cha mẹ. Từ đó xuất hiện hành vi phá thai lựa chọn giới tính tại một số cơ sở y tế.
Ngày 19/12, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo đó, kết quả cho thấy tổng số dân của Việt Nam tính đến thời điểm 1/4/2019 là 96.208.984 người. Trong đó, dân số nam là 47.881.061 người, chiếm 49,8% và dân số nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2%. Đáng chú ý, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện đang cao hơn mức sinh học tự nhiên, mặc dù tình trạng này đã được cải thiện trong những năm gần đây. Năm 2018, tỷ lệ giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/ 100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017. Tại thời điểm ngày 1/4/2019, tỷ số giới tính khi sinh trên cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2019, con số này là 108 bé trai/ 100 bé gái. Tuy tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 đã giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. "Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỉ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm kiếm bạn đời". Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Nhóm nam giới gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy được vợ, phải duy trì cuộc sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Mất cân bằng giới tính còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao một cách đáng kể. Đối với các gia đình, hạnh phúc sẽ không trọn vẹn nếu trong gia đình có nam giới đã đến tuổi trưởng thành nhưng không lấy được vợ, điều này dẫn đến những lo lắng căng thẳng về tâm lý đối với các thành viên trong gia đình ảnh hưởng đến hạnh phúc và phát triển của gia đình. Hoặc có những người vợ phải cố sinh thêm con trai do sức ép từ phía gia đình hoặc người chồng, phải nạo phá thai vì lý do lựa chọn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Ảnh minh họa nguồn internet
Trước thực trạng về tỉ số giới tính khi sinh, Đảng và Chính phủ đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính. Việc này được cụ thể hóa trong các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết đưa ra mục tiêu đến năm 2030, tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ và những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, Ban Dân số-KHHGĐ phường An Hải Đông đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như:
- Phối hợp với Phòng Dân số-KKHGĐ quận thực hiện các hoạt động khảo sát, đánh giá thực trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh.
- Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là tổ dân phố, các chi hội đoàn thể, CTV và phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn phường.
- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam/nữ thanh niên về khám sức khỏe trước hôn nhân, lợi ích khi chủ động thực hiện các biện pháp tránh thai.
Có thể nói tỷ số giới tính khi sinh phụ thuộc nhiều và liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay nên chúng ta phải ứng xử với việc mất cân bằng giới tính khi sinh như là một vấn đề văn hóa. Chúng ta không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Để giảm được tỷ số giới tính khi sinh, phải có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới. Trong thời gian đến địa phương tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cấp cần tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh và đặc biệt là tăng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị phải được đặt lên hàng đầu bởi một mình ngành dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham mưu nồng cốt của ngành Dân số-KHHGĐ và sự tham gia tự nguyện của người dân./.
Nguyễn Biên